Home »
Đăng bởi Unknown lúc 24/03/2013


Bản Chất của VAMC
Bản chất của VAMC
VAMC - Vietnam Asset Management Company - Công ty quản lý tài sản Việt Nam
Vậy bản chất của VAMC là gì? Chức năng của VAMC là gì?
Có bác bảo rằng vốn của VAMC có 500 tỷ thì ít quá, làm sao mua nợ xấu (hàng trăm nghìn tỷ) đây?

Có bác thì lẫn lộn loạn xạ về trái phiếu của VAMC phát hành?


Nôm na nó là thế này:

VAMC được thành lập với vốn mồi là 500 tỷ đồng. Vốn này gần như mang ý nghĩa tượng trưng, để đáp ứng các thủ tục pháp lý, chứ có phải đem 500 tỷ đi mua nợ xấu đâu mà. Còn về bản chất, VAMC chỉ cần 1 tỷ đồng cũng được các cụ à. Tại sao lại thế, thì em sẽ giải thích ngay đây:

VAMC là 1 công ty. Mà đã là công ty thì có quyền phát hành trái phiếu để vay vốn. Như vậy, VAMC phát hành trái phiếu cho các Ngân hàng. Các ngân hàng thông thường sẽ bỏ tiền mặt ra để mua trái phiếu - giống như chúng nó đầu tư trái phiếu vẫn làm bấy lâu nay thôi. Nhưng trong trường hợp này, các NH sẽ dùng cục tài sản nợ xấu của mình để mua trái phiếu VAMC. Nợ xấu - cho dù nó xấu - thì nó vẫn là tài sản của NH, và NH đã mua trái phiếu của VAMC bằng tài sản nợ xấu của mình. Về bản chất kế toán trong chu trình này, chính là các Ngân hàng đã cho VAMC vay tiền đấy nhé ( và tiền trong trường hợp này chính là cục tài sản nợ xấu ).

Cục tài sản nợ xấu mà các Ngân hàng cho VAMC vay, sẽ được định giá bằng giá trị sổ sách, nghĩa là = Giá trị nợ xấu - giá trị đã trích lập. Ví dụ: khoản nợ xấu là 12 tỷ, ngân hàng đã trích lập 2 tỷ, thì giá trị sổ sách của khoản nợ xấu này sẽ là 10 tỷ.

Báo chí hay dùng cách diễn đạt :"VAMC mua lại nợ xấu của các NH với giá trị sổ sách" khiến người đọc dễ hiểu sai bản chất. Do vậy, tôi sẽ diễn đạt chính xác dưới ngôn ngữ kế toán để các bác hiểu bản chất rằng: trên sổ sách, chứng từ thì các Ngân hàng cho VAMC vay tài sản, tài sản này chính là cục nợ xấu.

Và như vậy, Công ty VAMC nợ rất nhiều Ngân hàng. Trên bảng cân đối, Công ty VAMC này có vốn chủ là 500 tỷ, và vốn vay là 150.000 tỷ ( đúng bằng giá trị sổ sách của các tài sản nợ xấu ).

Các Ngân hàng, sau khi đã thu về đống trái phiếu, thì trên nguyên tắc, có thể giao dịch với bất kỳ tổ chức nào muốn mua, hoặc muốn nhận chiết khấu. Vì đây là loại trái phiếu có thể chuyển nhượng tự do như các giấy tờ có giá. Dĩ nhiên, hầu như chả có thằng Tây điên nào mua trái phiếu này cả, và chỉ có 1 nơi gần như duy nhất có thể nhận chiết khấu trái phiếu này, là Ngân hàng nhà nước.

Đến đây, các bác đã hiểu, có phải VAMC nó dùng 500 tỷ để mua lại nợ xấu đâu? Về mặt dòng tiền tham gia vào quá trình này thì 500 tỷ hay 1 tỷ, cũng chả có ý nghĩa gì, chỉ có ý nghĩa đáp ứng các thủ tục pháp lý thôi.

Quay trở lại vấn đề, các Ngân hàng lúc này đem trái phiếu đến chiết khấu tại Ngân hàng nhà nước, ví dụ là 40%, thì sẽ nhận được 60.000 tỷ (40% của 150.000 tỷ).

60.000 tỷ này giải quyết được rất nhiều việc:

- Về bản chất, Ngân hàng phải đi huy động từ dân cư và lấy tiền này cho doanh nghiệp vay. Giờ doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, biến thành nợ xấu, NH không thu hồi được tiền, nhưng vẫn phải đi trả lãi người gửi. Nay NH đã có được 60.000 tỷ, coi như doanh nghiệp đã trả được 1 phần nợ. Chi phí vốn NH giảm xuống, giảm lãi suất huy động, và kéo theo giảm lãi suất tín dụng. Dĩ nhiên, chi phí vốn giảm có thể không thấm vào đâu với việc phải trích lập 20%/năm, trong 5 năm. Cái này tôi sẽ nói thêm ở phần sau.

- Lãi suất tín dụng giảm, trước mắt là ly nước mát cho các doanh nghiệp giữa sa mạc. Các doanh nghiệp này chưa chết, còn hoạt động cầm chừng và có tiềm năng hồi phục (còn doanh nghiệp nào chết thì đã chết rồi và dẫn tới đã hình thành nợ xấu rồi). Các doanh nghiệp nhận được ly nước mát, tiếp tục hành trình vượt sa mạc. Và Chính phủ lẫn người dân đang kỳ vọng, các doanh nghiệp này sẽ vượt qua sa mạc thành công trong thời gian không lâu hơn 5 năm đấy ạ.

- Doanh nghiệp được hồi sức, công ăn việc làm được khôi phục, sức cầu tăng, kéo theo kinh tế hồi sinh.

Bây giờ quay trở lại vụ trích lập 20%/năm. Thực ra, các Ngân hàng cầm trái phiếu VAMC này, mỗi năm phải trích lập 20%, bản chất là hình thức kéo giãn trích lập nợ xấu mà thôi. Và thời gian kéo giãn chính là 5 năm đấy. Trong quá trình đó, nếu VAMC bán được cục nợ xấu nào, thì VAMC cấu 15%, coi như là tiền phế tao chạc NH vì đã cung cấp cho NH một loại trái phiếu thần kỳ (trái phiếu mà có thể đem chiết khấu để vay tiền từ NHNN). Có thể, VAMC còn lời to chứ chẳng chơi, nếu thiên thời, kinh tế khởi sắc. Khoản lời của VAMC sẽ bù đắp lại cho chi phí mà NHNN đã bỏ ra để chiết khấu các trái phiếu này. Nói gì thì nói, VAMC là công ty do Ngân hàng nhà nước lập, là con của Ngân hàng nhà nước. Do vậy, thằng con hút, bà mẹ thì bơm, cuối
 cùng cũng trong 1 nhà cả, chẳng đi đâu mà thiệt.

Túm lại, bản chất vấn đề là nợ xấu của NH được kéo giãn 5 năm. Trong khoảng thời gian này, kỳ vọng doanh nghiệp sẽ vượt qua được sa mạc, niềm tin được khôi phục, qua đó nền kinh tế sẽ hồi phục.

Tags:

No comments:

Nếu không có tài khoản Facebook và Google thì mọi người có thể chọn comment Nặc Danh (Anonymous) nhé !!!

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin